Ảnh: Landmark81 Vietnam
Tudotaichinhaz.com – Thị trường Việt Nam sẽ có những biến động trong tuần giao dịch mới khi mới đây thị trường tiếp nhận 3 thông tin chính: WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 4,9% xuống 4,8%, đà phục hồi của Châu Á đang cho thấy dấu hiệu chững lại trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và cháy cơ sở khai thác trên biển ở Mexico, giá dầu tăng hơn 3%… Dưới đây là nội dung chi tiết.
  1. WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 4,9% xuống 4,8%

Nhóm Ngân hàng Thế giới ( World Bank) vừa công bố báo cáo điểm lại tháng 8 với chủ đề “Việt Nam Số hóa – Con đường tới tương lai”, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 4,8%, thấp hơn con số 4,9% dự báo trước đó. Đây là lần thứ 2 WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo WB con số 4,8% vẫn là dự báo tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang chịu những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.

Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý III và tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi của nền kinh tế được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, với 70% dân số được tiêm chủng vào giữa năm 2022.

Hơn 1 tháng trước, ADB cũng công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm, áp dụng biện pháp giãn cách kéo dài ở những cực tăng trưởng, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc dòng vốn FDI 2 tháng trở lại đây đều giảm, liệu đây có phải là xu hướng cho thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch ra khỏi Việt Nam? Đại diện WB cho biết không cần quá lo lắng về việc dòng vốn FDI đăng ký mới giảm. Khi nền kinh tế phục hồi thì dòng vốn FDI cũng sẽ phục hồi theo. Nếu nói xu hướng FDI rời đi thì không đúng, có chăng dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể chậm lại do một số địa phương đang phải giãn cách, để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Dẫn chứng là số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy 7 tháng đầu năm vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Riêng lĩnh vực ICT, dòng vốn FDI có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 170 doanh nghiệp ICT (doanh nghiệp phần mềm, viễn thông, điện – điện tử) đầu tư vào Việt Nam. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI ICT có thể là nhờ yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19.

  1. Biến chủng Delta đang ‘ăn mòn’ đà phục hồi của châu Á

Đà lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta cùng với tỷ lệ tiêm phòng vaccine Covid-19 thấp khiến phần lớn châu Á bị bất ngờ, đặc biệt là các thị trường mới nổi, trong khi các nền kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ tái mở cửa. Trong khi các chỉ báo về doanh nghiệp và kinh tế so với cùng kỳ năm trước tiếp tục phản ánh đà phục hồi mạnh, chủ yếu do sự giảm sâu trong năm 2020, các chỉ số quý so với quý bộc lộ sự chững lại.

Các công ty lớn nhất châu Á khả năng cao có lợi nhuận quý III giảm 6,19% so với quý trước đó. Đây sẽ là quý giảm đầu tiên trong 6 quý gần đây, Reuters tính toán dựa trên số liệu phân tích từ Refinitiv Eikon về 1.069 công ty có vốn hóa thị trường ít nhất 1 tỷ USD.

Trong ngắn hạn, hầu hết phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á – một cửa ngõ sản xuất chính – và liệu Trung Quốc có thêm biện pháp để hỗ trợ kinh tế nước này hay không. Doanh số bán xe tại Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới, giảm 11,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, tháng giảm thứ ba liên tiếp trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát và thị trường toàn cầu thiếu chip – dẫn đến hạn chế sản lượng xe.

Toyota Motor, hãng xe lớn nhất thế giới theo doanh số, tuần trước thông báo giảm 40% sản lượng tháng 9 so với kế hoạch trước đó do thiếu chip, dù vẫn giữ nguyên mục tiêu sản lượng và doanh số cho năm tài chính hiện tại. Về nguồn cung phụ tùng nói chung, giám đốc điều hành Toyota Kazunari Kumakura nói “đà lây lan của virus corona và các đợt phong tỏa ở Đông Nam Á tạo ra ảnh hưởng lớn”.

Nguồn cung vẫn là vấn đề cấp bách

Tại Đông Nam Á, số ca Covid-19 tăng kéo theo đó là các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong cả lĩnh vực dịch vụ cũng như sản xuất. Hoạt động nhà máy tại khu vực suy giảm trong tháng 7 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2020, theo số liệu từ IHS Markit.

“Đó là tín hiệu khá mạnh cho thấy đà kinh tế của Đông Nam Á sẽ chững lại trong quý III”, Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit, Singapore, cho biết.

Biến chủng Delta bùng phát ở Đông Nam Á tạo ra các cơn đau đầu chuỗi cung ứng tại đây cho nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới – phần lớn họ phụ thuộc vào phụ tùng ôtô và bán dẫn ở những nơi có chi phí thấp như Thái Lan, Malaysia.

Giám đốc tài chính Koji Ikeya của Mitsubishi Motors nhận định Covid-19 bùng phát sẽ gây sức ép đến lực cầu, thiếu chip tạo ra ảnh hưởng kéo dài lên sản xuất còn giá thép và vật liệu khác dự báo tăng. “Bởi những nguy cơ trên, môi trường quanh chúng tôi vẫn bất ổn”, Ikeya nói.

Hiệu ứng nền

Tại Malaysia và Việt Nam, các biện pháp giãn cách xã hội và số ca nhiễm buộc nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động.

“Tất nhiên, chính phủ các nước đang cố gắng tạo ra sự bảo vệ tốt hơn cho những người lao động quan trọng… ví dụ, ưu tiên tiêm vaccine cho họ trước”, Rajiv Biswas nói.

Mức độ suy giảm kinh tế tại châu Á sẽ khó xác định cho đến khi chính phủ các nước công bố GDP quý III ước tính vào cuối năm.

Các nền kinh tế châu Á chuyển từ trạng thái mở sang phong tỏa sẽ ghi nhận GDP giảm so với cùng kỳ năm ngoái, theo Carnell.

ING đã hạ dự báo tăng trưởng đối với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Australia.

“Bạn đang chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu 30 – 40% (so với năm trước) tại nhiều trường hợp nhưng tất cả đều có hiệu ứng nền so sánh thấp”, theo Carnell.

  1. Cháy cơ sở khai thác trên biển ở Mexico, giá dầu tăng hơn 3%

Giá dầu đã tăng hơn 8% trong tuần, phục hồi sau khi giảm 7,6% tuần trước – tuần giảm mạnh nhất hơn 9 tháng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có quan điểm tích cực hơn về cuộc chiến chống Covid-19 sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất. Trước đó, vaccine Covid-19 này mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 12/2020.

Giới phân tích cho biết thành công gần đây của Trung Quốc trong kiểm soát biến chủng Delta cũng thúc đẩy tâm lý về lực cầu. “Lo ngại đang giảm bớt, chúng ta sẽ không chứng kiến một đợt phong tỏa toàn cầu vì Delta”, Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy tại Stamford, bang Connecticut, nói.

Ngoài ra, giá dầu còn được thúc đẩy sau khi một cơ sở dầu mỏ ngoài khơi Mexico cháy hôm 22/8, làm giảm 25% sản lượng của công ty dầu quốc doanh Mexico Pemex. 5 công nhân thiệt mạng và ngọn lửa xóa bỏ sản lượng 421.000 thùng/ngày.

“Thị trường nhận lực đẩy từ vụ cháy của Pemex”, theo Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York. Tuy nhiên, Yawger cảnh báo thị trường có thể đảo chiều nếu số liệu từ chính phủ Mỹ ngày 25/8 cho thấy tồn kho xăng tăng.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 24/8 cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tuần trước giảm 1,6 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 1 triệu thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ ngày 23/8 thông báo sẽ bán tới 20 triệu thùng dầu thô từ Kho dầu Dự trữ Chiến lược để tuân thủ quy định, việc giao nhận diễn ra từ ngày 1/10 đến 15/12.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô tiêu thụ của các cơ sở lọc dầu Ấn Độ trong tháng 7 lên cao nhất 3 tháng nhờ lực cầu nhiên liệu phục hồi và giá tăng.

Theo investing.com